28/8/13

Khám phá tháp cổ Vĩnh Hưng, Vĩnh Lợi, Bạc Liêu

Tháp Vĩnh Hưng còn có tên gọi khác là tháp Bhah Dhat, Trà Long, Lục  Hiền... được nhà khảo cổ người Pháp Lunetdelaponguiere phát hiện vào năm 1911 và liệt vào danh mục các di tích kiến trúc Khmer. Tháp được nhà cầm quyền thuộc địa xếp hạng số 14 trong danh mục các di tích lịch sử của xứ Nam Kỳ.
Tháp Vĩnh Hưng là di tích kiến trúc cổ duy nhất còn được bảo tồn ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
Hiện nay, tháp cổ Vĩnh Hưng nằm trên địa bàn xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, tọa lạc trên một gò đất cao hơn mặt ruộng hiện tại khoảng 50 cm.
Vào những năm 1911, 1917 và 1959, các nhà khảo cổ người Pháp đã  khảo sát, khai quật được nhiều hiện vật quanh khu vực tháp, chủ yếu là vật thờ cúng. Đặc biệt, trong đó có tấm bia khắc chữ Phạn, ghi rõ tháng Karhila, năm 814, tương ứng với năm 892 sau Công nguyên và tên vua Yacovan - Man (thế kỷ thứ IX). Các nhà khảo cổ phỏng đoán tháp được xây dựng vào khoảng thế kỷ IX sau Công nguyên.
Chân tháp hình chữ nhật, chiều Đông - Tây rộng 5,6m, chiều Bắc - Nam dài 6,9m. Mặt cửa tháp chếch về hướng Tây 55 độ. Chiều cao hiện tại của tháp là 8,2m (tính từ nền tháp), đỉnh tháp đã sập. Bên trong tháp rỗng, có thể nhìn thấy bầu trời.
Theo số liệu của Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu, tháp Vĩnh Hưng được xây bằng gạch nung, độ dầy chung quanh chân đều có kích thước như nhau 1,8m. Từ chân tháp trở lên ở các vách Đông, Bắc và Nam, gạch được xây thành hàng ngang, kết dính vào nhau không thấy vữa trung gian.
Do bị xuống cấp nặng nề nên thân tháp được gia cố thêm bởi những dây thép không gỉ.
Cả 3 vách tường tháp đều xây nối ghép vào nhau không có kẽ hở, không có lỗ thủng trên vách. Tường tháp ở tầng dưới khá dầy (1,8m), từ độ cao 4m trở lên, tường có phần mỏng hơn, độ dày vào khoảng 1m, lên đến gần đỉnh thì độ dày chỉ còn 0,55m. Trên các mặt tường không thấy hiện tượng xây nhô ra hoặc thụt vào tạo thành cột giả, ngoại trừ vài đường gờ ngang ở gần móng nối dưới chân tháp. Đồng thời cũng không thấy dấu vết của các phù điêu khắc chạm hoặc các chi tiết kiến trúc khác.
Gạch xây tháp có hai loại khác nhau về màu sắc, chất lượng cũng như kích thước. Loại gạch màu đỏ dùng lát nền, xây từ chân móng đến độ cao 4m. Từ 4m trở lên xây bằng loại gạch màu trắng, loại này có trọng lượng nhẹ hơn gạch màu đỏ.
Qua các hố đào thăm dò trước cửa tháp (cách chân tháp 2,6m) cho thấy nền móng chiêm của tháp rất kiên cố, mặt nền xây gạch, dưới lớp gạch 60cm là lớp cát được nện rất chặt. Từ độ sâu này trở xuống có 6 lớp cát và 5 lớp đá xen kẽ nhau, mỗi lớp cát dày 20cm, lớp đá 5cm.
Mặt trước tháp Vĩnh Hưng
Tháp Vĩnh Hưng có cấu trúc khá đơn giản và mộc mạc. Nó gồm một phòng có nền hình chữ nhật, móng nổi không cao, tường dầy đứng thẳng, nóc cao uốn thành vòm, với một cửa chính. Ngoài ra, trên tháp hoàn toàn không có các phù điêu chìm nổi và cũng không thấy loại nóc xây thành từng cấp phức tạp.
Theo ông Phạm Văn Tắc - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu, từ ngày 22.9 đến cuối tháng 10.2011, Bảo tàng tỉnh đã cùng các chuyên gia khảo cổ học tiến hành khai quật khu vực tháp Vĩnh Hưng nhằm tìm kiếm cổ vật còn sót lại. Sau đợt khai quật, tỉnh sẽ xây dựng tại đây một nhà trưng bày để công chúng đến thưởng ngoạn những hiện vật có liên quan đến ngôi cổ tháp.
Phiên bản Linga – Yoni trong tháp cổ (vật gốc hiên đang lưu giữ tại bảo tàng tỉnh Bạc Liêu).
Qua nhiều lần khai quật khu vực tháp Vĩnh Hưng, các nhà khảo cổ đã tìm được những hiện vật có giá trị như: Bàn tay tượng thần bằng đồng; phần thân dưới của một tượng nữ thần (bằng đá sa thạch); 1 tượng nữ thần bằng đá xanh; 1 tượng thần Brahmá bốn mặt bằng đồng; 1 đầu tượng Phật bằng đồng; 1 cánh tay đủ 5 ngón, có đeo vòng ở cổ tay (chất liệu bằng đồng); 1 đinh ba lửa (chất liệu bằng đồng) và 3 đoạn cọc gỗ...

Video khám phá tháp cổ Vĩnh Hưng


twitter facebook Zing.me Hot! Go.vn more

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét