30/8/13

Các Chợ Nổi ở sông nước miền Tây

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chi chít sông ngòi kênh rạch, được mệnh danh là vùng đất “Chín Rồng” có con nước lớn tràn bờ, nước ròng phơi bãi; có ghe thuyền sinh hoạt ngày đêm xuôi ngược trên sông… hình ảnh đó tự ngàn xưa, hôm nay vẫn vậy. Sông nước là đặc thù của miền Tây, vùng đất của hàng ngàn dòng sông, cửa sông đan xen như mạng nhện. Có sông ngòi, kênh, rạch, có phương tiện vận tải thủy, có người sinh hoạt mua bán trao đổi hàng hóa, tựu trung lại tất cả cảnh mua bán ngộ nghĩnh trên sông, người ta gọi là chợ nổi.


Chợ nổi nhóm họp cả ngày nhưng đông nhất là vào buổi sáng, khi trời còn mát, sương giăng bảng lảng mặt sông và nắng hãy còn dìu dịu. Đi chợ nổi phải đi thật sớm. Bởi khi mặt trời lên cao, bắt đầu nắng gắt, là chợ vãn khách rồi. Còn gì thư thái và thoải mái hơn khi giữa tinh sương ngày mới được dập dềnh trên chiếc xuồng ba lá len lỏi giữa chợ họp trên sông đông vui, tấp nập, căng lồng ngực hít lấy hít để không khí trong lành của gió mang hương cây trái và sông nước miền Nam.
Nằm giữa kênh Xà No và sông Cần Thơ có chợ nổi Cái Răngchợ nổi Phong Điền. Xôm tụ nhất là chợ nổi Phong Điền thuộc địa phận xã Nhơn Ái. Nét riêng biệt và nổi bật của chợ nổi là hình thức “bẹo hàng”, tức là quảng bá hàng hóa tại chỗ. Trước mỗi mũi ghe, người ta thường cắm hoặc gác ngang một cây sào dài, bên trên treo lủng lẳng những hàng hóa mà chủ nhân muốn bán. Hình thức “bẹo hàng” này là một nét văn hóa giao thương độc đáo chỉ có ở chợ nổi, không ồn ào, vồn vã, không níu kéo nhưng lại có sức thu hút khách hàng. Khách phải nhìn cây “bẹo” mà tìm các loại hàng hóa cần mua.
Không giống như chợ trên bờ, những ghe hàng trên chợ nổi không nhất thiết phải quy tập từng khu theo loại hàng. Đặc biệt nhất là hình thức “bẹo lá bán ghe”. Nếu gặp chiếc ghe “bẹo” một tấm lá lợp nhà nghĩa là người chủ muốn bán chiếc ghe ấy. Các ghe bán hàng dạo thì thay hình thức “bẹo” hàng bằng âm thanh của những chiếc kèn. Có người bấm kèn bằng tay (loại kèn nhỏ, bằng nhựa), có người vừa chèo vừa dùng chân đạp lên kèn (loại kèn lớn, còn gọi là kèn cóc). Ghe hàng len lỏi vào bến đậu của các ghe lớn với nhiều tiếng kèn khác nhau, làm cho khu chợ thêm rộn rã, xao động.
Hiện nay, ở chợ nổi có những hình thức “bẹo hàng” hiện đại hơn như những bảng hiệu, hộp đèn, áp phích, băng rôn của các ghe hàng, các cửa hàng nổi trên dòng sông êm đềm sóng vỗ. Trên đường vào huyện Phong Điền, chúng tôi đã thấy tấp nập xuồng ghe trên sông Cần Thơ đi chợ nổi.
Một lần đến với chợ nổi là mãi không thể quên cái không khí đông vui, tấp nập đó. Ở miền Tây có nhiều chợ nổi, nhưng nổi tiếng nhất là chợ nổi Cái Bè (huyện Cai Lậy – tỉnh Tiền Giang), chợ nổi Cái Răng, Phong Điền (Châu Thành – Cần Thơ), chợ nổi Ngã Bảy (Phụng Hiệp – Cần Thơ), chợ nổi Ngã Năm (Thạnh Trị – Sóc Trăng), chợ nổi Sông Trẹm (Thới Bình – Cà Mau)…
Người buôn bán trên chợ nổi nhóm họp bằng xuồng. Ngày xưa là xuồng ba lá, xuồng năm lá, ghe tam bản. Bây giờ có cả tắc ráng, ghe máy. Người đi mua cũng đến chợ bằng xuồng, ghe. Những chiếc xuồng con len lỏi khéo léo giữa hàng trăm ghe thuyền mà hiếm khi có va quệt xảy ra. Người miền Nam vốn chân chất, dân thương hồ trên sông nước miền Tây còn chân chất và đáng yêu đáng quí hơn. Họ sống với nhau bằng cái tình sông nước, mênh mông và rộng rãi như mặt nước sông hồ. Nhìn nhau mà đi, nhường nhịn nhau mà sống.
Mặc dù nhóm họp trên sông, nhưng chợ nổi hầu như không thiếu một mặt hàng nào, từ cây kim, sợi chỉ cho đến các loại thực phẩm, đồ gia dụng. Và quán xá cũng theo người nhóm họp trên sông. Có thể tìm tại đây các món ăn dân dã mang đậm chất Nam Bộ như bánh tét, bánh nếp lá dừa, bánh cam, đậu hũ, bánh phồng, bánh canh ngọt, bánh bột lọc, hủ tiếu vườn… với giá bình dân mà lạ miệng.
Thật thú vị khi ngồi thảnh thơi trên chiếc xuồng con tròng trành vừa thưởng thức các món ăn thơm ngon đậm đà vừa thoả sức ngắm nhìn những chiếc thuyền chở đầy cây trái đang lướt qua trước mắt… Đã đi chợ nổi đâu dễ quên tiếng ồn ào đặc trưng của chợ nổi – tiếng tành tạch của ghe xuồng đang rẽ sóng, tiếng mặc cả, tiếng mời chào, í ới gọi nhau hối hả…Qua bao đời nay, các chợ nổi Nam Bộ vẫn giữ nguyên nét sinh hoạt đặc trưng này. Từ đây, cây trái hoa quả và thủy sản sẽ theo các thương lái xuôi dòng toả đi khắp cả nước…
Nếu như chợ nổi Phụng Hiệp, Cái Răng là nơi tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp cho thành phố Cần Thơ, thì chợ nổi Cà Mau lan tỏa khắp ngõ ngách thôn quê, vào vùng sâu, xuống biển. Mỗi chiếc ghe là một gia đình “lưu động” trên sông, trong đó có cả những gia đình hai thế hệ. Họ coi chiếc ghe là nhà, khách hàng là người thân lối xóm.
Những năm trước, chợ nổi Cà Mau họp ngay ngã ba sông Gành Hào rất thuận tiện cho các thương lái tại Cà Mau, vì vậy mà mỗi lần họp chợ không khí rất nhộn nhịp. Cũng chính nơi đây một thời là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Do tụ họp đông, không đảm bảo an toàn giao thông, nên chợ nổi dời cách thành phố Cà Mau gần 3km hướng về Gành Hào. Dời chợ thì phương thức mua bán nơi đây cũng thay đổi.
Buôn bán hai chiều, đó là phương thức mua bán phổ biến của dân thương hồ trên sông nước Cà Mau. Hàng hóa từ trên miệt vườn được vận chuyển về bằng những chiếc ghe bầu, họ không neo đậu lâu như trước mà đi nhỏ lẻ xuống tận các huyện vùng sâu, nhất là vùng nước mặn, chuyên canh tác nuôi trồng thủy sản như Đầm Dơi, Sông Đốc, Năm Căn, Ngọc Hiển… có ghe đến tận Đất Mũi mới chịu dừng. Hết hàng, dân thương hồ “ăn” lại than đước, củi đước, phân cá, tôm… mang về trao đổi với nhà vườn. Hành trình xuôi ngược như thế đã tạo cho chợ nổi Cà Mau có nét đặc thù riêng biệt mà không dễ nơi nào có được.
Từ Cà Mau dọc ven biển đi Kiên Giang có nhiều chợ nổi vùng “Miệt Thứ”. Miệt Thứ được tính từ con sông Tắc Cậu (Kiên Giang) dọc theo tuyến quốc lộ 63 xuôi về đến huyện Thới Bình, Cà Mau gần 60km.
Ở đây có tất cả 11 thứ. Con kênh đào đầu tiên ở xứ này được đặt tên là “Thứ Nhứt”, tiếp đến là con kênh Thứ Nhì, 3, 4… đến Thứ 11. Mỗi con kênh vùng Miệt Thứ đều có nhóm chợ mọc lên tại các ngã ba hoặc đầu kênh.
Chợ nổi Vĩnh Thuận không rao mời, và cũng không treo hàng lủng lẳng trên mũi ghe. Khách chèo xuồng tự tìm đến mua, bán, trao đổi, thuận bán, vừa mua và cách ứng xử rất chan hòa, không có cảnh giành giật hàng hóa. Điều đó đã thu hút rất nhiều du khách đến tham quan. Chợ nổi Miệt Thứ họp đông nhất lúc mờ sáng cho đến trưa, buổi chiều tan chợ. Bởi đa số người bán hàng là chủ vườn, chủ rẫy, họ trồng rau thì chở rau, trồng khóm chở khóm…
Do đặc thù của Miệt Thứ là người dân sống trong những con kênh, rạch nhỏ, vì vậy hàng hóa được vận chuyển bằng xuồng ba lá, xuồng tam bản nhỏ và họ chọn con sông Vĩnh Thuận làm nơi họp chợ để bán hàng cho các bạn hàng bông, từ đây họ đem ngược vào các kênh rạch rao bán, trao đổi sản phẩm, chẳng hạn lấy trái cây đổi cá, lấy rau đổi gà, vịt chứ không nhất thiết người dân chỉ có tiền mới mua được.
Có thể nói, với đặc thù là vùng sông nước cũng như cuộc “cách mạng đường thủy” với những con kênh đào ngang dọc, nối thông các điểm chiến lược trong vùng, đã tạo ra đột phá mới cho việc hình thành chợ nổi. Vậy lộ trình tạo bước đột phá cho “trung tâm vùng” phải chăng bắt đầu từ một “trung tâm lưu chuyển hàng hóa trên sông nước”?
Nếu như thủy lợi ĐBSCL được phục hồi và phát triển nhanh chóng trong bối cảnh khai thông đường không, đường biển, đường bộ, thì hàng hóa ĐBSCL sẽ có nhiều cơ hội vươn xa ra thị trường trong và ngoài nước.
Bởi lẽ, hiện nay cả một vùng ĐBSCL vẫn là một vùng nông nghiệp, giá trị sản xuất của kinh tế cá thể, nông hộ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, thì việc tập trung xây dựng trung tâm nông nghiệp công nghệ cao về giống cây trồng, vật nuôi là việc rất cần thiết; trung tâm công nghiệp tinh chế thủy hải sản, hoa quả các chợ đầu mối nông hải sản… sẽ giúp chợ nổi có một thế đứng riêng, độc đáo; là động lực thu hút thêm bạn bè tụ hội về đây.
Hiện nay, các địa phương vùng ĐBSCL đang tạo ra sức mạnh trong việc khai thác chợ nổi, làm điểm tham quan du lịch hấp dẫn – một nét văn hóa đặc trưng của vùng kinh tế trọng điểm Tây Nam Bộ. Từ nhiều năm qua, đi thăm chợ nổi đã trở thành một tuyến du lịch hấp dẫn du khách gần xa. Chính vì thế, việc giữ gìn, phát triển chức năng văn hóa – du lịch của chợ nổi cần được quan tâm đúng mức. Quản lý, phân luồng, phân lô cũng như xây dựng nếp sống văn hóa mới, hiện đại của chợ nổi đang đặt ra nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho các địa phương miền Tây Nam Bộ.


twitter facebook Zing.me Hot! Go.vn more

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét