30/8/13

Những địa điểm bạn có thể tham quan khi đi du lịch Cà Mau - phần 2

10. Khu mộ và nguyên mẫu cuộc đời Bác Ba Phi

Phần mộ Bác Ba Phi nằm giữa hai ngôi mộ của Bà Ba Lữ và bà Chăm tại ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải nằm ở một góc rừng U Minh hạ.

Bác Ba Phi tên thật là Nguyễn Long Phi (1884 – 1964) tại rừng U Minh hạ. Ông vốn là một nông dân tại huyện Đầm Dơi tỉnh Cà Mau, vốn có khiếu kể chuyện rất phong phú và đặc sắc được nhiều người yêu thích.

Ông sinh năm 1884 tại tỉnh Đồng Tháp, do gia đình quá nghèo nên từ nhỏ phải đi cày thuê để nuôi 8 người em nhỏ. Khi 15 tuổi mẹ ông qua đời, ông trở thành một lao động chính trong nhà. Tuy cuộc sống cơ cực, ban ngày phải đi khẩn hoang, cày cuốc ruộng vườn, nhưng đến ban đêm ông thường tham gia tụ họp đờn ca. Ông được bà con trong xóm mê tiếng ca và nể tính tình vui vẻ, bộc trực, khẳng khái. Đặc biệt là những câu chuyển kể và cách kể chuyện lôi cuốn người nghe của ông.

Vốn làm tá điền cho Hương quản Tế - một địa chủ giàu có vùng Bảy Ghe, ông được Hương quản Tế hứa gả cô con gái là Ba Lữ với điều kiện phải làm công trong ba năm. Nhờ sức chịu thương chịu khó, nên sau ba năm thì ông cưới được vợ. Cũng do điều này mà Hương quản Tế rất yêu thương người con rể này và đã cắt chia cho vợ chồng Ba Phi khá nhiều đất. Cộng với sự cần cù sẵn có, ông đã ra sức khai khẩn phần đất được chia thành đồng ruộng cò bay thẳng cánh.

Hai người lấy nhau một thời gian mà không có con, vì vậy bà Ba Lữ đã đứng ra cưới vợ hai cho chồng. Bà này sinh được một người con trai là Nguyễn Tứ Hải. Không rõ vì lý do gì mà khi Nguyễn Tứ Hải mới ba tuổi, bà đã gửi con cho chồng rồi về quê ở Mỹ Tho cho đến lúc qua đời. Ông Nguyễn Tứ Hải về sau lập gia đình với bà Nguyễn Thị Anh, sinh hạ một người con trai – cháu đích tôn của bác Ba Phi – tên là Nguyễn Quốc Trị. Trong những câu chuyện của bác Ba Phi thì đây chính là nhân vật thằng Đậu nổi tiếng. Và cũng có thành ngữ "Tệ như vợ (thằng) Đậu" được dùng để chỉ những người vụng về.

Về sau bác Ba Phi cưới thêm vợ ba. Bà tên Chăm, là người dân tộc Khmer. Bà sinh được hai đứa con gái.

Bác Ba Phi qua đời ngày 3 tháng 11 năm 1964 tại rừng U Minh Hạ, nay là ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Hiện nay, khu nhà và mộ phần của bác Ba Phi đã trở thành điểm dừng chân lý tưởng của du khách.

11. Căn cứ Tỉnh ủy Lung Lá Nhà Thể
Ngày 11/6/2007, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký quyết định công nhận Khu di tích căn cứ Tỉnh uỷ Lung Lá Nhà thể xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh. Khu di tích căn cứ Tỉnh uỷ Lung Lá Nhà thể thuộc ấp Trần Độ, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước là một nhánh sông nhỏ hẹp, còn gọi là Lung Lá Dừa, bắt nguồn từ ngã ba Nhà Thể, ngọn Lung chạy dài, nối liền với ngọn sông Rạch Mũi, chiều dài khoảng 3,5km.

Nơi đây trước kia là một khu rừng cây gỗ tạp và lá dừa, phía sau là đồng ruộng bao quanh, lúc bấy giờ không có dân cư mà chỉ có 02 ngôi nhà của đồng chí Trần Văn Thời và Trần Văn Nghĩa.

Từ những năm 1938 đến 1940, Lung Lá Nhà Thể là căn cứ của Tỉnh uỷ, Quận uỷ, chi bộ Tân Hưng, là cơ quan thường trực của Tỉnh uỷ lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong những năm tháng khó khăn gian khổ, đồng bào đã hết lòng đùm bọc, chở che cho cán bộ đảng viên hoạt động. Chính nơi đây, đồng chí Trần Văn Thời đã dùng căn nhà và khu vườn của mình để làm nơi hội họp quan trọng, kết nạp nhiều đảng viên ở các chi bộ, có nhiều đồng chí ở Xứ uỷ Nam Kỳ, liên Tỉnh uỷ Hậu Giang đến dự và chỉ đạo các phong trào đấu tranh cách mạng. Trong suốt thời gian Đảng hoạt động bí mật trước nanh vuốt kẻ thù, đế quốc hòng dập tắt phong trào còn non trẻ của tỉnh nhà, nhưng khu căn cứ Tỉnh uỷ Lung Lá Nhà thể vẫn bảo đảm an toàn bí mật, bảo vệ được cơ quan đầu não của Đảng bộ tỉnh, các đồng chí Xứ uỷ Nam Kỳ, liên Tỉnh uỷ Hậu Giang và các chi bộ, Đảng viên đến liên hệ làm việc, ăn nghỉ tại đây.

Tại khu Lung Lá Nhà Thể này, đồng chí Trần Văn Thời đã triệu tập Hội nghị bất thường Tỉnh uỷ mở rộng để nghiên cứu Nghị quyết của Xứ uỷ, đánh giá chính xác tình hình của ta và địch để lên kế hoạch tiến hành khởi nghĩa. Hội nghị nhất trí chọn Hòn Khoai làm điểm mở đầu cho cuộc khởi nghĩa và ngày 13/12/1940 đã trở thành ngày truyền thống cách mạng của Đảng bộ và quân dân tỉnh Cà Mau

Ngày nay, Khu căn cứ Tỉnh ủy Lung Lá Nhà Thể được đưa vào chương trình du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử của các công ty du lịch.

12. Biệt Khu Hải Yến - Bình Hưng
Đây là một khu chứng tích tội ác chiến tranh chống Mỹ do Nguyễn Lạc Hóa (người gốc Trung Quốc) đứng đầu dưới sự bảo trợ của chính quyền Ngô Đình Nhiệm và Mỹ. Biệt Khu Hải Yến – Bình Hưng được xây dựng từ cuối năm 1959 và đầu 1960, tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 30ha bên bờ sông Cái Đôi Giữa thuộc ấp Thanh Đạm xã Phú Tân huyện Phú Tân. Đây là một biệt khu kiên cố dùng để giam giữ, tra tấn và thủ tiêu những chiến sĩ cách mạng và thảm sát những người dân nghèo vô tội với khẩu hiệu “thà giết lầm chứ không thả lầm”, có thể nói nơi đây là “địa ngục trần gian” thời bấy giờ. Theo biến đổi của thời cuộc, Biệt Khu Hải Yến - Bình Hưng tuy bị tàn phá nhiều, nhưng vẫn còn một số chứng tích còn lưu lại như: cây cầu vĩnh biệt (nơi dẫn các tù nhân từ nhà giam qua cây cầu này đến hố chôn người), các hố chôn người tập thể… Đây là một nhân chứng sống của một thời đấu tranh giành độc lập và hòa bình của người dân cà Mau.


twitter facebook Zing.me Hot! Go.vn more

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét