19/8/13

Tham quan Khu di chỉ Óc Eo, An Giang


Khu di chỉ Óc Eo thuộc vùng núi Sập - Ba Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, là một địa danh được nhiều người trong và ngoài nước biết đến: là một khu di tích cổ rộng lớn, gắn liền với vết tích vật chất của vương quốc Phù Nam, một quốc gia hùng mạnh ở vùng Đông Nam Á cách nay khoảng 2.000 năm.
Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo An Giang
Hiện nay, khu di chỉ Óc Eo không những đón được rất nhiều nhà sưu tầm, khảo cổ đến nghiên cứu, tìm hiểu mà còn hấp dẫn được rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến đây để xem di vật, vết tích được phát hiện để biết thêm về một thời kỳ phát triển rực rỡ của vùng đất An Giang ngày xưa nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Nói về vương quốc Phù Nam, đây là một quốc gia cổ đại đầu tiên được hình thành ở Đông Nam Á, do một quý tộc có tên là Hỗn Điền (Kaundynia) khai sáng. Trải qua thời gian nơi đây là một vương triều hùng mạnh với vùng thương nghiệp phát triển và 13 đời vua kế tiếp nhau vững mạnh. Vì muốn thâu tóm quyền lực, bành trướng lãnh thổ, đem quân đi chinh phục các quốc gia kề cận, vương quốc Phù Nam đã sớm bị suy vong vào thế kỉ thứ VII.

Các bằng chứng khảo cổ mà các nhà khoa học cho thấy nền văn minh Phù Nam có những bước phát triển rực rỡ thể hiện ở hệ thống kênh đào chằng chịt, nền thủ công nghiệp phát triển gồm các nghề thủ công kim hoàn, gốm sứ là tiền đề cho các ngành thương nghiệp phát triển. Ngoài ra những di tích kiến trúc xây dựng còn lại như các đền thờ, mộ táng bằng gạch đá hồn hợp là sự giao lưu, kết hợp các nền văn minh thời cổ đại trong khu vực và văn hoá bản địa tạo ra một sự phong phú đặc sắc.

Những di chỉ khảo cổ được phát hiện qua các đợt khai quật gần đây nhất là các di chỉ kiến trúc như mộ táng và di chỉ cư trú với trên 270 hiện vật, trong đó có 196 hiện vật bằng vàng, 22 hiện vật bằng đá, 47 hiện vật bằng đất nung,… là những di vật của nền văn hoá óc Eo. Hiện tại Óc Eo nằm sâu trong đất liền hơn 20 km nhưng theo các nhà địa chất, vào khoảng đầu Công nguyên, Óc Eo là một cửa biển thông qua vịnh Thái Lan. Khu vực này nằm trên trục đường thương mại hàng hải giữa một bên là bán đảo Mã Lai và Ấn Độ, một bên là sông Mê Kông và Trung Quốc, do đó Óc Eo trở thành một địa điểm trung chuyển rất thuận lợi.

Đến thế kỷ VI - VII, các thương thuyền có thể di chuyển ngoài khơi xa với khoảng cách lớn hơn mà không phải dừng lại khắp nơi hay đi dọc theo bờ biển. Óc Eo mất dần vị thế hấp dẫn, sức thu hút giảm dần vì hàng hóa không phu phú lắm. Sự trỗi dậy của Chân Lạp và thương mại vùng Mê Kông góp phần đẩy Óc Eo bước vào thời kỳ suy sụp. Óc Eo đã từng được nối bằng một kênh đào dài 90km về phía Bắc với Angkor Borei, nơi có lẽ là thủ đô của Vương quốc Phù Nam. Từ kênh đào này, có các kênh đào nhánh tách ra xung quanh tạo thành các hình chữ nhật đều đặn. Bên trong các khu vực hình chữ nhật này còn sót lại những dấu tích của các khu sản xuất đồ nữ trang, thủ công mỹ nghệ, các móng nhà bằng gỗ và bằng gạch, các viên gạch được trang trí bằng các hình sư tử, rắn mang bành, động vật một sừng và các động vật khác.

Tính đến năm 1975, bộ sưu tập về văn hóa Óc Eo - Ba Thê đã có 3.969 hiện vật, trong đó bao gồm: 498 đồ vàng, 137 đồ bạc, 4 chì, 83 thiếc, 149 đồ đồng, 2.749 đồ đá màu. Những hiện vật này cho thấy trình độ kỹ thuật khéo léo cũng như độ tinh xảo trong nhiều nghề thủ công của cư dân Óc Eo. Văn hóa Óc Eo đã hình thành và phát triển trên một cơ tầng văn hóa bản địa vững chắc. Các nhà khảo cổ học đã bước đầu lần tìm và chứng minh sự phát triển trực tiếp của văn hóa Tiền Óc Eo tới Óc Eo. Những kết quả nghiên cứu này đã bác bỏ ý kiến của các học giả nước ngoài cho rằng văn hóa Óc Eo hình thành từ các vùng đất thực dân của người Ấn Độ.

Dù hiện nay các học giả trong nước và quốc tế còn đang cố gắng để xây dựng hệ tiêu chí chuẩn nhằm phân lập và định diện những đặc tính tiêu biểu cùng vòng ảnh hưởng của văn hoá Óc Eo, nhưng đại đa số các nhà nghiên cứu đều coi Óc Eo là nền tảng đồng thời là sự phát triển sớm nhất, tiêu biểu của văn hóa Phù Nam và vương quốc Phù Nam. Ngoài khu vực được xem là “thành phố Óc Eo” có diện tích 4.500ha, còn có một vài vùng ở miền Tây Nam Bộ như: Đồng Tháp Mười, Châu Đốc, Kiên Giang mà cho đến nay vẫn còn nhiều điều bí ẩn đối với các nhà nghiên cứu, khảo cổ.
Nguồn: nto.vn
Nguồn: nto.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét