16/8/13

Vẻ đẹp thắng cảnh Ao Bà Om

Nói đến Trà Vinh, người ta nghĩ ngay đến với những ngôi chùa Khmer cổ kính thấp thoáng dưới bóng những hàng sao, dầu cổ thụ. Nhưng bên cạnh đó còn có một di tích lịch sử, văn hóa mang nhiều huyền thoại của thời cha ông khai phá, gầy dựng đất phương Nam, đó chính là Ao Bà Om.
Ao Bà Om là một trong những danh thắng ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Tọa lạc tại khóm 3, phường 8, thị xã Trà Vinh, cách trung tâm thị xã Trà Vinh khoảng 5 km về phía Tây. Với diện  khoảng 39.000 m2, khí hậu mát mẻ quanh năm, xung quanh ao có những hàng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi có rễ nổi lên mặt đất trông rất đẹp mắt.
Ao Bà Om còn được gọi là Ao Vuông bởi có dạng hình vuông. Trong dân gian có nhiều truyền thuyết khác nhau kể về lịch sử hình thành của Ao Bà Om mang nhiều chi tiết siêu nhiên nhưng cũng rất gần gũi với người dân ĐBSCL, đặc biệt là với người Khmer ở vùng đất này.
Một trong những truyện dân gian kể rằng: ngày trước, vùng đất Trà Vinh hằng năm cứ đến mùa hạn thì nước ngọt rất khan hiếm. Ruộng rẫy khô cằn, cây cỏ vàng úa. Đời sống bà con vùng đất này lầm than khôn cùng. Một ông hoàng trấn nhậm trong vùng bèn quy tụ bà con lại để đào ao giữ nước ngọt. Cùng lúc đó, trong vùng xảy ra một vụ “tranh chấp” khó giải quyết: đàn ông và đàn bà, ai phải đi cưới ai? Ai phải chịu mọi phí tổn trong lễ cưới? Ông hoàng nhân dịp này chia ra hai bên nam nữ tổ chức một cuộc thi đào ao. Ao bên nào đào sâu hơn, lớn hơn và xong trước thì sẽ thắng cuộc, bên thua sẽ phải đi cưới. Trời vừa tắt nắng, hai bên chia nhau đào ao. Bên nam thì đào ao tròn ở phía Tây còn bên nữ đào ao vuông ở phía Đông. Bên nữ do bà Om chỉ huy, thấy không thể kình được sức đàn ông nên bên nữ dùng “kế”: Họ vừa đào vừa ca múa để các chàng bỏ việc mà chạy sang rình xem. Nửa đêm, bà Om cho chặt một cây tre thật dài, treo ngọn đèn lồng rồi đem cắm ở hướng Đông. Theo giao hẹn là khi sao Mai mọc là phải ngừng công việc, khi bên nam thấy ngọn đèn tưởng là sao Mai nên họ rủ nhau về nghỉ. Trong lúc đó bên nữ đào đến sáng và xong việc trước. Bên nam thua cuộc trong sự “tâm phục, khẩu phục”. Để nhớ ơn người phụ nữ mưu trí, người ta lấy tên bà đặt tên ao, từ đó ao phụ nữ đào được gọi là ao Bà Om. Và truyền thống nam đi cưới nữ cũng bắt đầu từ đây.
Đến tham quan thắng cảnh Ao Bà Om du khách sẽ cảm nhận được không khí mát mẻ, trong lành và yên tĩnh nơi đây, không gian chỉ chợt xao động lên vào lúc chiều tà, khi những đàn cò bay về tìm chỗ ngủ.


Vào những ngày lễ, Tết hàng năm của người Khmer, ao Bà Om trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng náo nhiệt của cả vùng. Nhất là lễ hội Ok Om bok (rằm tháng mười âm lịch), không chỉ người Khmer ở Trà Vinh mà người Kinh, người Hoa và người ở các tỉnh lân cận cũng về đây chung vui. Họ cùng nhau nhảy múa, xem hát dù kê, thả đèn gió … thắt chặt thêm tình đoàn kết, hoà hợp của ba dân tộc anh em ở vùng sông nước Cửu Long.



Ao Bà Om đã được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch công nhận là di tích văn hoá lịch sử cấp quốc gia vào năm 1996. Một lợi thế của ao Bà Om trong việc thu hút khách du lịch là ao không nằm tách biệt riêng lẻ. Bên cạnh ao là ngôi chùa Âng, ngôi chùa Khmer cổ nhất Trà Vinh được xây dựng từ năm 990, và Bảo tàng văn hoá Khmer cũng được đặt ở đây. Quần thể “bộ ba”: ao Bà Om, chùa Âng và Bảo tàng văn hoá Khmer được xem là những điểm du lịch hàng đầu của tỉnh Trà Vinh .
Chi Na (thethaovietnam.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét