Nếu như ở Trà Vinh có ngôi chùa được gọi là chùa Hang vì xây dựng có hình dáng giống một cái hang thì chùa Hang ở xã An Bình, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang là ngôi “ Phật động” nằm trong ruột đá núi thâm u, mờ ảo. Trước cổng đi vào chùa, thờ tượng Phật Di Lạc bằng đá Non Nước (Đà Nẵng) nặng 22 tấn. Khách hành hương vào chánh điện, đi sâu vào hang ở giữa chánh điện thờ 2 tượng Phật Thích Ca. Tượng lớn có bề cao 2,56m x 2mét. Một tượng bề cao 2,36mét x1,8 mét. Theo truyền thuyết thì 2 tượng Phật này có từ lúc các vị sư người Thái Lan ẩn tu cách đây 300 năm. Đại đức Thích Minh Nhẫn trụ trì chùa hang cho biết tượng rỗng, khi gõ vào tượng thì phát ra tiếng ngân, hiện nay chưa rõ tượng được làm bằng chất liệu gì. Sau chánh điện, khách tiếp tục đi thẳng khoảng 60 mét thì đến biển, nhìn thấy hòn phụ tử hùng vĩ, chân bước lên bờ cát trắng mịn, để đến gần với thiên nhiên, hít thở không khí trong lành. Đi về phía sau giáp núi chùa Hang là nơi thờ đàn Dược Sư 49 vị Phật. Chùa Hang tồn tại đến nay gần 300 năm, là một trong những thắng cảnh đẹp của Kiên Giang, nhưng về lịch sử ngôi chùa thì chưa được hiểu biết nhiều. Theo Đại đức Minh Nhẫn thì: Chùa Hang trước đây còn gọi là chùa Thiện Thành hay Hải Sơn tự có từ đầu thế kỷ thứ 18. Ngôi chùa do các vị sư Xiêm La (Thái Lan) quản lý những năm đầu thập niên 1770, khi quân Xiêm La bị đánh đuổi về nước (1774), các vị sư hành đạo trở về, ngôi chùa hoang phế và không có tên hiệu suốt một thời gian dài. Sau này, người Khmer đã cung thỉnh các vị sư người gốc Khmer đến trụ trì, song chẳng bao lâu, các vị sư này chuyển ra ngoài dựng một am nhỏ dạng nhà sàn gần chùa để tu hành. Nhiều năm sau đó, các vị sư này lại thành lập một ngôi chùa lớn cách ngôi am cũ không xa, tên chính thức là Prakchaokia (Thái Lùa), người dân quen gọi là chùa Ba Trại, vì chùa nằm trong căn cứ nghĩa quân Ba Trại dưới chân núi Hòn Chông của Lãnh binh Nguyễn Trung Trực. Sau khi các vị sư Khmer rời bỏ chùa Hang, cư dân địa phương cung thỉnh hai vị hòa thượng người Việt là hai anh em Võ Thường Lễ và Võ Thường Nghĩa đến chỉnh trang và mở rộng. Đến năm 1865 hai vị đều viên tịch. Theo lời kể của ông Danh Măng, 72 tuổi một cư dân cố cựu có 4 đời luôn gắn bó với chùa Hang: Sau khi hai anh em vị hòa thượng viên tịch, thì một vị hòa thượng pháp danh là Thiện Tông được cư dân cung thỉnh về. Vị Hòa thượng này tịnh tu nên ít ra ngoài. Ngày rằm của năm 1920, thiện nam tín nữ đến cung cấp thực phẩm thì không thấy sư đâu nữa. Mãi 10 năm sau mới thấy di cốt của sư. Nơi hang phát hiện di cốt đặt tên là hang Phật ngủ. Tương truyền trụ trì đời thứ ba là hòa thượng Thượng Tố cũng sống tịnh tu rồi viên tịch (1939) hưởng thọ 70 tuổi. Từ năm 1939 - 1944 trụ trì chùa Hang là Hòa thượng Chí Hòa và cũng viên tịch lúc 70 tuổi. Năm 1953 cư dân địa phương thỉnh Sư cô quen gọi là Cô Sáu về trông lo chuyện phật sự. Sau lại thỉnh Hòa thượng Thiện Hóa về cùng tu và trụ trì. Năm 1975 sư cô viên tịch. Hòa thượng trụ trì cho đến 1999 thì mất, hưởng thọ 79 tuổi. Trong thời gian này, chùa hang được trùng tu và được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử và tham quan thắng cảnh vào năm 1989. Từ năm 1999 - 2002 là Đại đức Thích Minh Hải trụ trì, đến năm 2003 cho đến nay Tỉnh hội bổ nhiệm Đại đức Thích Minh Nhẫn trụ trì chùa Hang. Chùa Hang là nơi tôn nghiêm, thắng cảnh lịch sử Kiên Giang nên ngày nào cũng có du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái, đông nhất là những ngày lễ hội vía bà. |
Theo Báo Cần Thơ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét