23/8/13

Núi Ba Thê, An Giang

Đô thị Ba Thê - Óc Eo được thiết lập từ thế kỷ thứ I và tồn tại cho đến thế kỷ thứ VII khi đồng bằng Nam bộ chịu ảnh hưởng của đỉnh cao hải xâm Đông Hải trong khoảng năm 650 sau Công nguyên. Đã có thời Ba Thê - Óc Eo là đô thị của Vương quốc Phù Nam, nằm bên bờ vịnh Rạch Giá, ăn sâu vào đất liền tận Thoại Sơn.

Qua Đại Nam nhất thống chí, núi Ba Thê có tên là Hoa Thê Sơn. Diện mạo núi có 3 chóp đứng, có nhiều cây cổ thụ xanh mát, mặt trước là lung, đầm lầy. Vào triều Minh Mạng, do húy ky tên Hoàng hậu Hồ Thị Hoa nên Hoa Thê Sơn đổi thành núi Ba Thê.

Tại cánh đồng phía nam phía Ba Thê có một vùng đất lẫn đá gọi là Giồng Cát, Giồng Xoài, vào tháng 2-1944, ông L.Malleret chủ trì đã khai quật tìm thấy một loại di tích kiến trúc gạch đá nền hình vuông không có mái ngói, nhiều hạt cườm, mảnh vàng, đồ trang sức được chế tác tinh xảo. Các vết tích, di vật để lại, Óc Eo được công nhận là di tích văn hóa cổ.

Đô thị Ba Thê - Óc Eo có 2 khu vực chính: Nội thành là nơi ở của vua chúa, quan lại, đạo sĩ, thương gia, nghệ nhân, công chức, binh lính và ngoại thành là nơi ở của công nhân và các cư dân.

Đến núi Ba Thê, du khách sẽ được thưởng ngoạn một thắng cảnh tuyệt đẹp mà tạo hóa đã ban cho. Đứng trên chóp đỉnh núi phóng tầm nhìn bao quát cả khu vực. Quanh núi là những cánh đồng trải rộng, xa xa về hướng tây là vùng biển Rạch Giá, chênh chếch hướng tây nam là dãy Thất Sơn hùng vĩ án ngữ phía chân trời.

Đến núi Ba Thê, du khách còn bắt gặp một tảng đá có hình dáng cây đao khổng lồ dựng trên chót núi, mà tên nghe rất võ hiệp “Thạch Đại Đao”. Tảng đá này có một mặt bén, một mặt bằng tựa sóng đao, dài 320cm, ngang 71cm, nặng cỡ 2 tấn 50, qua truyền thuyết được kể rất hấp dẫn. Vào một đêm mưa to gió lớn, sấm gầm gió giật, nhân dân quanh thị trấn Ba Thê kinh hoàng do những tiếng nổ phát ra khủng khiếp.

Hôm sau, có người làm rẫy ở sườn núi phát hiện vết nứt ở một tảng đá có diện mạo giống cây đao to. Mọi người cho đó là hiện tượng lạ và ùn ùn rủ nhau lên coi. Vào thời điểm đó, đường đi khó khăn, cây cối mọc um tùm, lối đi chật hẹp, dốc cao, người đi coi đông đảo ngoài sức tưởng tượng. Có số người đến tận hiện trường chưa thấy đã tung ra hàng loạt chuyện mang tính thần bí theo tưởng tượng thiếu thực tế. Cụ thể như họ nói “Long Đao xuất hiện, hình cây đao giống đạo Quan Công, thanh đao của người khổng lồ cầm gươm ba thước để xử kẻ hung ác...”.

Mặc dù chính quyền địa phương ra sức ngăn cần mọi người đến coi và tung tin đồn nhảm, vì lý do an ninh trật tự và an toàn xã hội, nhưng vẫn không chặn nổi tính hiếu kỳ của nhân dân. Rồi họ xô tảng đá rơi xuống hẻm núi mà vẫn còn nguyên hiện trạng. Những người bịa chuyện lại có dịp thêu dệt lần nữa, dân mê tín lại kéo đến coi và thì thụp cúng bái. Thấy vậy, cơ quan du lịch xin ý kiến của lãnh đạo huyện Thoại Sơn dùng cần cẩu, đưa tảng đá lên và dựng trên chóp của đỉnh Ba Thê, mặt trên là hình dáng lưỡi đao, cán đao (đế) cắm sâu khoảng 50cm.

Việc cơ quan du lịch văn hóa huyện Thoại Sơn xây chỗ dùng chứa đao nhằm thỏa mãn tính hiếu kỳ, cũng như kết hợp văn hóa tâm linh để cư dân chiêm bái. Không may, sét lại tiếp tục đánh vào một góc mái che đao, người ta lại đồn đãi “Thiên đình giành giựt cây đao với cơ quan du lịch”. Rồi cư dân kéo nhau đến coi lần nữa. Sau cùng, cơ quan du lịch xây lại mái che và gắn cột thu lôi nhầm tránh sét.

Hiện nay, đường lên đỉnh núi Ba Thê đã được trải nhựa bằng phẳng nên du khách lên núi tham quan dễ dàng. Qua đó, các hướng dẫn viên du lịch đã thuyết minh khá hấp dẫn về chuyện Thanh Đại Đao kết hợp với các vết tích như bàn chân Tiên ở sân Tiên Tự, chân Tiên ở chùa Bà gây phấn khởi và thu hút khách tham quan vừa mang tính khoa học vừa mang tính truyền thuyết dân gian rất thú vị.

Huyện Thoại Sơn hiện nay đã thực hiện đổi mới như nhiều nơi khác, định kiến xâm canh và bình quân nhân khẩu được xóa bỏ tạo ra sức mạnh tổng hợp của quần chúng, quyết đi lên từ nhiều mặt ngoài nông nghiệp còn có dịch vụ du lịch với nhiều di tích lịch sử văn hóa, núi non rất hấp dẫn du khách. Cứ với đà phát triển toàn diện, nhiều chủ trương đúng đắn, cách tổ chức thực hiện hiệu quả, hợp lòng dân, Thoại Sơn sẽ nhanh chóng tiến lên, người dân nơi đây không còn lo chuyện xóa đói giảm nghèo, mà câu chuyện hàng ngày sẽ là làm giàu bằng cách nào với đồng lúa mênh mông kéo dài tận Kiên Giang.
Theo Báo Bình Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét